Từ lúc tớ bắt đầu ngồi gõ cái bài này, tớ đã có tài khoản mạng xã hội đầu tiên hơn 7 năm trước, và tận gần hai mươi cái tài khoản mạng xã hội khác nhau. Phải qua rất nhiều năm, với nhiều sự cố khác nhau, tớ mới rút ra được kha khá kinh nghiệm khi sử dụng mạng xã hội để hôm nay chia sẻ cho các bạn. Có lẽ không nên dài dòng thêm nữa, mình vào thẳng vấn đề luôn nào.

Mạng xã hội hoạt động gần tương tự như bên ngoài đời thật, nên hãy cẩn thận

Nhiều người vẫn cho rằng mạng xã hội là một thế giới thứ hai, và không nghĩ rằng những điều trên mạng xã hội có tác động như những điều ngoài đời thật gây ra, hay những thứ ở trên mạng xã hội sẽ chống lại bạn ngoài đời. Trên thực tế, đã có nhiều mối quan hệ đổ vỡ, mất cơ hội việc làm, hay thậm chí dẫn đến cả các vụ kiện tụng chỉ vì những phát ngôn không hay trên mạng xã hội. Vậy nên…

  • Hãy lịch sự với tất cả mọi người, kể cả người bạn ghét. Đừng dùng từ ngữ thô tục, lời lẽ xúc phạm người khác. Dễ hiểu hơn này: đừng nói những điều bạn không muốn nghe từ miệng người khác.
  • Tất cả những thứ ra khỏi đầu của bạn sẽ tồn tại ở ngoài đó mãi mãi. Khi bạn nói ra một thứ gì đấy trên mạng, sẽ luôn có người có thể chụp hình, ghi lại, tải xuống và lưu trữ được, cho dù bạn có làm đủ mọi cách để xóa sổ nội dung đó. Vậy nên khi đăng cái gì đó lên mạng, hãy nhớ nội dung của bạn luôn có khả năng bị người khác chộp lại.
  • Suy nghĩ kĩ trước khi phát ngôn. Nếu ở ngoài đời bạn cần phải uốn lưỡi bảy lần trước khi nói, thì trên internet bạn cũng cần phải suy nghĩ kĩ trước khi đăng tải cái gì đấy.

Nhưng bạn lại có thêm nhiều công cụ để kiểm soát nội dung

Đa số các mạng xã hội đều có một bộ công cụ để giúp bạn kiểm soát chế độ hiển thị cho các bài đăng của mình, từ một công tắc chuyển toàn bộ các bài đăng về chế độ riêng tư như Twitter, cho đến tùy chọn để ẩn Stories khỏi một số người nhất định của Instagram, hay công cụ cực kì mạnh mẽ của Facebook khi bạn có thể thay đổi quyền riêng tư của các bài đăng ở mức tuyệt đối. Hãy chịu khó vọc vạch các ứng dụng của bạn để tìm các tính năng liên quan đến quyền riêng tư, hay đọc kĩ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng — điều này chưa bao giờ là thừa.

Sớm muộn gì bạn cũng sẽ gặp phải những nội dung bạn không muốn thấy trên mạng xã hội. Thật tốt nếu mạng xã hội bạn dùng có bộ công cụ mà Facebook hay Instagram cung cấp cho bạn để kiểm soát các nội dung bạn không muốn thấy, nhưng nếu mạng xã hội của bạn không có cũng không sao. Nếu bạn không thể loại bỏ nội dung không muốn thấy khỏi trải nghiệm mạng xã hội của bạn, hãy… bỏ qua. Đừng bận tâm quá nhiều đến nội dung bạn không muốn thấy, không những mua bực vào người mà còn làm bạn lãng phí thời gian nữa.

Đừng quá tin những gì bạn thấy trên mạng xã hội

Nội dung trên mạng xã hội rất dễ làm bạn hoang mang về độ xác thực, và các nội dung sai lệch có khả năng làm thay đổi suy nghĩ của bạn về một vấn đề nào đấy. Để tránh sự ảnh hưởng của nội dung không đúng sự thật, hãy nhớ:

  • Đừng bao giờ đặt niềm tin tuyệt đối vào những thứ mà bạn đọc được trên mạng xã hội.
  • Luôn luôn kiểm tra độ xác thực của tin tức bằng cách sử dụng nhiều nguồn khác nhau và quan sát kĩ diễn biến của sự việc để tìm ra những điểm vô lý.
  • Các dịch vụ kiểm tra độ chính xác (fact checker) là trợ thủ đắc lực trong việc kiểm tra độ xác thực của tin tức.
  • Chia sẻ nội dung không đúng sự thật là một cái tội lớn. Hãy suy nghĩ kĩ trước khi chia sẻ và nhớ kiểm tra độ xác thực của nguồn tin.

Giữ an toàn trên mạng xã hội

Mạng xã hội luôn là nơi có nhiều cạm bẫy rình rập, thế nên bạn cần biết cách để tự bảo vệ mình.

  • Không công khai các thông tin như địa chỉ nhà riêng, số điện thoại, số chứng minh nhân dân và các thông tin cá nhân khác.
  • Thống nhất danh tính (tên người dùng, ảnh đại diện,…) để tránh bị kẻ xấu giả mạo tài khoản.
  • Sử dụng các công cụ có sẵn của mạng xã hội (ẩn/chặn/báo cáo…) để ngăn ngừa việc bị quấy rối.
  • Đừng im lặng. Nếu bạn bị tấn công trên mạng, hay để bạn bè, người thân của bạn biết và báo ngay cho các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.

Mạng xã hội chỉ là công cụ — đừng quá lệ thuộc vào nó

Mạng xã hội sinh ra là để bạn có công cụ để chia sẻ với thế giới những điều tốt đẹp, những điều mà mọi người cần phải biết, những kỉ niệm trong cuộc sống của bạn, hay có thể sử dụng để gắn kết bạn bè của bạn. Đừng lạm dụng mạng xã hội quá, vì nó sẽ phản tác dụng đấy.

  • Kiểm soát thời gian sử dụng mạng xã hội của bạn. Hiện nay Facebook và Instagram, cũng như iOS 12 và Android Pie đã có các tính năng để giúp bạn kiểm soát tốt hơn việc sử dụng mạng xã hội. Ngoài ra, để giảm thời gian trên mạng xã hội của bạn, hãy thử dành thời gian cho những việc khác. Đạp xe, tập gym, chạy bộ, đọc sách, viết truyện,… hay bất kì hoạt động nào có ích cho bạn đều có thể giúp bạn cắt bớt thời gian cho mạng xã hội.
  • Khi bạn có thời gian gặp mặt bạn bè, hãy dành tối đa thời gian cho họ. Bạn hoàn toàn có thể chụp hình đồ ăn thức uống, cất điện thoại và check-in sau khi kết thúc cuộc hẹn mà, đúng không?
  • Bạn không cần phải gượng ép mình phải đăng quá liên tục để giữ sự tương tác của mọi người. Hãy đăng bài lúc nào bạn cảm thấy thoải mái nhất. Và đặc biết, nếu mạng xã hội làm bạn cảm thấy căng thẳng, hãy rời xa nó vài hôm, làm những việc khác để cân bằng lại cuộc sống của bạn.

Trên đây là một số mẹo mà tớ rút ra được sau một quá trình dài sử dụng mạng xã hội. Nếu mình có liệt kê thiếu điều gì hay sai sót chỗ nào, hãy bình luận và cho mình biết.

Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài này!

Để lại bình luận