Đánh Giá Các Điện Thoại

4 phút đọc

Blog lại mốc meo rồi. Thôi thì lại đứng dậy phủi bụi và đẩy bài viết mới nào.

Trong vài tháng qua, tôi đã sở hữu them 2 chiếc điện thoại mới – Samsung Galaxy A52s 5G (7/2022) thay thế cho chiếc Vsmart Joy 3, và Google Pixel 3a (12/2021) thay thế cho Nokia 6.1. Sau đây là cảm nhận của tôi sau một khoảng thời gian sử dụng hai chiếc điện thoại này.

Cách tôi chọn điện thoại nói chung

Thú thật là tôi không phải người quan tâm đến benchmark. AnTuTu hay Geekbench chưa bao giờ khiến tôi quá bận tâm khi chọn điện thoại, vì tôi vốn chả chơi game gì trên điện thoại. Cái tôi quan tâm là với giá tiền tôi bỏ ra, tôi nhận lại được những gì – từ độ bền, camera cho đến trải nghiệm phần mềm. Trong phần đánh giá dưới đây, tôi sẽ nói nhiều hơn về trải nghiệm của tôi với hai chiếc điện thoại này (và một số điện thoại khác trong bộ sưu tập của tôi) và xem tính đến thời điểm hiện tại, chúng có làm tôi hối hận không.

Google Pixel 3a: Trải nghiệm Google, giá phải chăng

Giới thiệu

Google Pixel 3a là chiếc điện thoại đầu tiên thuộc dòng a – dòng điện thoại tầm trung của Google. Ra mắt vào tháng 5 năm 2019 với giá khởi điểm ở Mỹ là $399, chiếc điện thoại này đã giúp nhiều người tiếp cận được được với cách Google làm điện thoại mà không phải tốn quá nhiều tiền. Chiếc Pixel 3a tôi mua là bản xách tay từ Nhật, và là máy cũ có trầy xước. Giá lúc đấy là gần 2.3 triệu sau khi có voucher. Khổ cái shop quảng cáo là máy 2 SIM, và sau khi tôi mua về phát hiện máy chỉ có 1 SIM (máy xách tay Nhật không hỗ trợ eSIM), shop đã bồi thường thêm 200 nghìn nữa, vậy là giá máy chỉ gần 2.1 triệu. Mua điện thoại cũ tốt nhất hãy đi xem máy nếu được, chứ mua hàng từ xa như tôi thì bạn phải hết sức cẩn thận.

Thật may là máy chỉ trầy xước vỏ chứ màn hình không bị làm sao, và màn hình cũng không bị ám vàng như rất nhiều máy cũ khác trên thị trường. Mà trầy vỏ thì cũng đơn giản, chỉ cần đeo một chiếc ốp lưng trong thì mọi thứ sẽ ổn hơn rất nhiều. Mà nếu vẫn chưa đủ ổn thì bạn mua ốp lưng màu cũng được, nhưng dòng máy này không nhiều loại ốp như thế.

Bên ngoài

Cảm giác cầm máy cực kì sướng vì máy rất nhẹ. Nó nhẹ nhất trong các điện thoại mà tôi đã sở hữu trong vài năm gần đây.

Điện thoại Google Pixel 3a Samsung Galaxy A52s 5G Vsmart Joy 3 Nokia 6.1
Kích thước 151.3 x 70.1 x 8.2 mm 159.9 x 75.1 x 8.4 mm 165.13 x 76.4 x 9.19 mm 148.8 x 75.8 x 8.2 mm
Trọng lượng 147 g 189 g 192 g 172 g
Cấu tạo Mặt trước bằng kính (Asahi Dragontrail), vỏ nhựa Mặt trước bằng kính (Gorilla Glass 5), vỏ nhựa Mặt trước bằng kính (không rõ thương hiệu*), vỏ nhựa Mặt trước bằng kính (Gorilla Glass 3), viền và mặt lưng bằng nhôm (6000 series)
Kháng nước/bụi Không IP67 Không Không

* Lưu ý rằng mặc dù một số trang web có bảo rằng máy có kính Gorilla Glass 3 và Gorilla Glass 5, tôi có tìm lại thông tin trên trang web chính thức của VinSmart và các hãng phân phối chính thức nhưng không hề đề cập đến thương hiệu của kính.

Vâng, 147g! Móc điện thoại ra cầm là thấy thoải mái rồi. Mà kể cũng lạ, tính ra máy cũng không quá bé (so với hai cáy máy chính gần nhất của tôi) nhưng mà cảm giác khi cầm nắm làm tôi tưởng tượng rằng nó bé hơn khá nhiều. Tôi rất thích những chiếc điện thoại bé vừa vừa thế này, nhìn gọn gàng, dễ cầm nắm và tiện mang theo. Nhưng mà có một cái điểm trừ là pin không ổn lắm (bạn xem tiép bên dưới nhé).

Để cắt giảm giá thành, máy không sử dụng kính Gorilla Glass mà ta hay thấy trên điện thoại ngày nay, mà họ chọn dùng kính Asahi Dragontrail. Tôi có làm rơi máy vài lần khi đeo ốp lưng và tất nhiên là máy chưa sao, nhưng mà cũng không thể chủ quan – chiếc Nokia 6.1 của tôi dù có kính Gorilla Glass 3 nhưng nó vẫn bị bể màn chỉ sau một cú rơi không quá cao và không có ốp lưng.

###

Cập nhật:

Để lại bình luận